Tản mạn về tính năng Lịch vạn niên “cao cấp”

Tản mạn về tính năng Lịch vạn niên “cao cấp”

Trong các tính năng hiển thị ngày tháng trên đồng hồ, lịch vạn niên chính là cơ chế cao cấp nhất, phức tạp nhất. Nếu được cấp năng lượng liên tục, một chiếc đồng hồ lịch vạn niên có thể hiển thị thời gian chính xác tới hàng chục năm sau. Điều này khác hẳn với đồng hồ lịch thường niên, cần chỉnh lại mỗi năm một lần vào ngày đầu tháng ba. 

Tuy vậy, cơ chế này vẫn chưa thật sự đảm bảo chính xác tuyệt đối. Nó sẽ tính các năm 2100, 2200 hay 2300 là năm nhuận, nhưng trên thực tế đây lại là năm thường. Để dễ hiểu hơn, các năm tròn trăm (chia hết cho 4) nhưng không chia hết cho 400 thì vẫn sẽ là năm thường, không phải năm nhuận. 

Cũng vì lý do này, một phiên bản cao cấp hơn nữa của tính năng lịch vạn niên đã ra đời. Cơ chế này có thể tính được chính xác thời gian trong vòng lặp 400 năm, có nghĩa là nó đếm được cả các năm chia hết cho 4 nhưng không phải năm nhuận. Với việc phải đếm các khoảng thời gian từ rất nhỏ (từng giây) cho tới rất lớn (hàng trăm năm), cơ chế lịch cũng trở nên phức tạp hơn rất rất nhiều.

Mẫu đồng hồ Calibre 89 nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập thương hiệu Patek Philippe

Cơ chế lịch vạn niên đã có từ rất lâu, và mẫu đồng hồ bỏ túi với tính năng này cũng đã được ra đời từ năm 1762. Tới năm 1925, Patek Philippe đã cho ra mắt chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên với tính năng này, và họ còn làm điều đặc biệt hơn nữa vào năm 1989 – nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập thương hiệu. 

Điều đặc biệt này chính là bộ sưu tập đồng hồ bỏ túi gồm 4 chiếc, mang tên Calibre 89. Những cỗ máy thời gian này sở hữu cơ chế lịch vạn niên cực kỳ đặc biệt, có khả năng đếm chính xác trong toàn bộ chu kỳ 400 năm.

Chiếc đồng hồ Calibre 89 của Patek Philippe

Với quá trình 9 năm thai nghén, chiếc đồng hồ Calibre 89 sở hữu con số 33 tính năng cực khủng, bao gồm cả những cơ chế phức tạp nhất. Ta có thể kể đến những cái tên mà tay chơi đồng hồ nào cũng thèm muốn như:

  • Grande & Petite Sonnerie (Tự điểm chuông báo giờ)
  • Minute Repeater (Điểm chuông báo giờ khi gạt công tắc)
  • Split Seconds Chronograph (Bấm giờ kép)
  • Equation of time (Hiển thị thời gian Thiên đỉnh – lúc mặt trời cao nhất)
  •  và còn rất rất nhiều cơ chế khác…

Tổng cộng 1728 linh kiện đã được sử dụng, lắp ráp trên 4 lớp khung máy cơ học. Và với tuyệt phẩm này, Patek Philippe cũng đã phá đổ kỷ lục liên quan tới chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới.

Siêu phẩm Calibre 89 với 33 tính năng

Cả hai mặt số của chiếc Calibre 89 đều được tận dụng để hiển thị các chỉ báo. Trong đó, mặt số chính thể hiện các cơ chế Split Seconds Chronograph, Lịch vạn niên, Lịch tuần trăng và cả thời gian ở múi giờ thứ hai. Trong đó, lịch vạn niên được hiển thị cực kỳ đầy đủ với số năm gồm 4 chữ số trên ô cửa sổ góc 12 giờ, thời gian trong chu kỳ 4 năm để tính năm nhuận, và tất nhiên là cả thứ, ngày và tháng trong năm.

Với cách tính lịch vạn niên lằng nhằng như đã nói ở trên, việc truyền tải chúng lên một bộ máy cơ học thật sự tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Không chỉ thế, cây kim ngày của chiếc đồng hồ này còn là kim Retrograde, sẽ bật lại khi đi hết một chu kỳ. Điều này khiến cho sự phức tạp càng tăng lên, đến mức gần như không tưởng.

Cơ chế Lịch vạn niên của bộ máy được giấu bên dưới chỉ báo tháng ở góc 4 giờ. Ngoài ra, bánh cóc để tính năm nhuận được đặt ở dưới cầu nối góc 6 giờ (hoàn thành một chu kỳ trong thời gian 400 năm)

Cơ chế Lịch vạn niên điều khiển bộ máy này đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1986, dành cho hai con người là François Devaud và Jean-Pierre Musy. Trong đó, Jean-Pierre Musy chính là người đã điều hành quá trình phát triển Caliber 89 chỉ ở tuổi 28, và sau đó ông cũng đã cống hiến gần 40 năm ở thương hiệu Patek Philippe.

Bộ phận quan trọng nhất trong một cỗ máy Lịch vạn niên chính là bánh cóc điều khiển chỉ báo tháng. Người ta thường dùng một trong ba hướng để phát triển cơ chế này:

  • Bánh cóc với chu kỳ 48 tháng, có từng răng với kích thước khác nhau để tính độ dài từng tháng
  • Bánh cóc với chu kỳ 12 tháng, hoạt động tương tự ở trên
  • Bánh cóc với chu kỳ 12 tháng, có thêm một cơ chế hình chữ thập để điều chỉnh số ngày trong Tháng 2.

Với chiếc đồng hồ Lịch vạn niên chu kỳ 400 năm của Patek, họ sử dụng cơ chế thứ ba, có thêm một bộ phận hình chữ thập để điều chỉnh số ngày trong tháng hai. Ba cạnh của chữ thập có độ dài ngang nhau, tượng trưng cho ba năm thường. Cạnh cuối cùng được làm dài hơn một chút nhằm hiển thị ngày 29/02.

Cứ theo logic đó, chúng ta sẽ phải nhân số bánh răng lên để phù hợp với chu kỳ 400 năm. Tuy nhiên, xử lý chi tiết này gần như bất khả thi, không ai có thể thực hiện được. Chính vì thế, những người nghệ nhân tại Patek Philippe đã nghĩ ra một phương pháp khác để thực hiện điều này. Họ sử dụng một cơ chế đòn bẩy với bốn nấc như hình bên dưới.

Bản vẽ kỹ thuật trong bằng sáng chế của Patek Philippe về cơ chế Lịch vạn niên, được sử dụng bên trong chiếc đồng hồ Caliber 89

Cơ chế đặc biệt này cũng được thể hiện trên cách bài trí khác lạ của các chỉ báo trên mặt số đồng hồ. Trên thực tế, việc giải thích cách vận hành của cơ chế này đã đủ phức tạp, chứ đừng nói đến việc tái thiết nó và thu nhỏ trên quy mô một chiếc đồng hồ đeo tay. Tuy nhiên, điều này vẫn không làm nản lòng những người nghệ nhân đồng hồ đi sau. 

Ở dưới đây, chúng ta sẽ có thêm hai cơ chế Lịch vạn niên đặc biệt khác đến từ nghệ nhân độc lập Svend Andersen và thương hiệu Franck Muller. Họ đã tiếp cận cơ chế Lịch vạn niên theo một hướng khác biệt, đồng thời tự thiết kế và chế tác chiếc đồng hồ theo phong cách của riêng mình.

Đồng hồ Lịch vạn niên của Svend Andersen

Mẫu đồng hồ Secular Perpetuel Calendar của Svend Andersen được ra mắt vào năm 1996

Với kinh nghiệm gần 1 thập kỷ làm việc tại bộ phận chế tác tính năng cao cấp của Patek Philippe, Svend Andersen đã phát triển những kỹ năng cần thiết để cho ra những cơ chế của riêng mình. Ông cũng là người thiết kế nên cơ chế Giờ thế giới trên mẫu đồng hồ của Louis Cottier, và rồi từ đó cũng tự làm nên chiếc đồng hồ mang thương hiệu của riêng mình – Andersen Geneve.

Và nếu bạn chưa biết, thương hiệu Andersen Geneve cũng đã từng cho ra mắt chiếc đồng hồ Lịch vạn niên có khả năng đếm chính xác cả chu kỳ 400 năm vào năm 1996. Mặc dù Svend đã không còn làm việc tại Patek kể từ năm 1979, thế nhưng ông vẫn giữ liên hệ với những người đồng nghiệp cũ, và cũng chính ông đã là người cố vấn cho việc sản xuất chiếc Caliber 89.

Tuy nhiên, Svend Andersen thấy rằng cơ chế lịch vạn niên của chiếc Caliber 89 quá phức tạp. Cũng vì thế, ông đã thiết kế nên một cơ cấu khả thi hơn, cho phép gắn nó lên một chiếc đồng hồ đeo tay. Từ đó, ông đã đặt cơ chế tính lịch lên một hệ thống bánh răng đặc biệt, và giữ số chi tiết của module đó ở mức tối thiểu.

Trên chiếc Andersen Genève Perpetuel Secular Calender “20th Anniversary”, số thứ trong tuần được thể hiện bằng mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh. Lịch ngày thì được hiển thị qua ô cửa sổ ở góc 3 giờ.

Ở mặt sau của chiếc đồng hồ thể hiện số tháng và số năm trong chu kỳ 4 năm. Chu kỳ 400 năm được thể hiện ở một chỉ báo riêng, cho thấy khả năng tính ngày đặc biệt.

Như bạn thấy ở hai hình ảnh trên, chiếc đồng hồ Perpetual Secular Calendar của Andersen Geneve được hiển thị trên hai mặt số. Mặt số phía trước hiển thị giờ, thứ và số ngày cơ bản. Ở phía sau, chúng ta có số tháng, số năm trong chu kỳ 4 năm nhuận và cả chu kỳ 400 năm. 

Ấn tượng hơn, cơ chế hiển thị thứ được thể hiện bằng hình ảnh các hành tinh thay vì những chữ cái nhàm chán. Nếu như bạn chưa biết thì mỗi thứ trong tuần tượng trưng cho một hành tinh, cụ thể như sau:

  • Chủ Nhật: Mặt trời
  • Thứ Hai: Mặt Trăng
  • Thứ Ba: Sao Hỏa
  • Thứ Tư: Sao Thủy
  • Thứ Năm: Sao Mộc
  • Thứ Sáu: Sao Kim
  • Thứ Bảy: Sao Thổ

Với cơ chế Lịch vạn niên truyền thống, Svend sử dụng cơ chế bánh cóc chu kỳ 48 tháng, hoàn thành một vòng quay trong 4 năm. Tương ứng với đó, ta có 48 răng với kích thước khác nhau tùy theo số ngày trong tháng (31, 30, 29 và 28).

Và để tính các năm 2100, 2200, 2300 không phải năm nhuận, Svend đã nối bánh cóc này với một bánh răng nữa di chuyển 1 lần mỗi 8 nay. Bánh răng này có 50 răng, vậy nên nó sẽ hoàn thành một vòng quay mỗi 400 năm. Nghe thì có vẻ đơn giản, thế nhưng đây quả là một cơ chế đặc biệt mà giờ vẫn chưa có mấy ai thực hiện lại được.

Đồng hồ Aeternitas Mega 4 của Franck Muller

Nếu như Svend Andersen bắt đầu sự nghiệp tại Patek Philippe thì Franck Muller lại bắt đầu công việc chế tác đồng hồ của mình tại xưởng của Andersen Geneve. Cả hai người đã cùng nhau khôi phục tới 60 chiếc đồng hồ Patek, và chúng đang được trưng bày tại bảo tàng của thương hiệu cho tới ngày nay. Cùng vì thế, kinh nghiệm và kỹ năng của Svend Andersen cũng đã được Franck Muller thừa hưởng rất nhiều.

Hơn 10 năm kể từ khi Andersen Geneve cho ra đời chiếc Lịch vạn niên cao cấp của mình, Franck Muller cũng có một chiếc đồng hồ đeo tay với tính năng tương tự. Tuy nhiên, sản phẩm của Franck Muller lại vượt lên một bậc, thậm chí chiếm cả kỳ lục mẫu đồng hồ phức tạp nhất thế giới của chiếc Patek Philippe Caliber 89.

Mẫu đồng hồ Aeternitas Mega 4 của Franck Muller có tới 36 tính năng, trong đó có rất nhiều cơ chế đẳng cấp như Tourbillon, Chronograph kép, Phương trình thời gian… Và tất nhiên, nó cũng có cơ chế Lịch vạn niên với chu kỳ 400 năm như hai người tiền nhiệm ở trên.

Chiếc Aeternitas Mega 4 sở hữu số tính năng khủng lên tới con số 36, trong đó có 25 tính năng được hiển thị trên mặt số

Giống Svend Andersen, Franck Muller nhận xét rằng cơ chế Lịch vạn niên trên chiếc Caliber 89 quá phức tạp và dễ dẫn đến lỗi trong quá trình vận hành. Vì vậy, ông đã sử dụng một phương pháp truyền thống hơn trên chiếc Aeternitas Mega. Trong chiếc đồng hồ này, bánh cam 12 tháng sẽ hoàn thành 1 vòng quay mỗi 1 năm, vậy nên nó sẽ không tính được ngày 29/2.

Để tính thêm năm nhuận, Franck Muller đã lắp thêm một tay đòn phụ để kết nối thêm một bánh răng. Chính bánh răng này sẽ có nhiệm vụ điều khiển ngày trong những năm nhuận, giúp chiếc đồng hồ có thể hiển thị ngày tháng một cách chính xác.

Cơ chế Flying Tourbillon với một cầu nối được trang trí tuyệt đẹp

Cơ chế Split Seconds được hiển thị ở mặt sau chiếc Aeternitas Mega 4

Một góc của bánh cóc được chế tác lồi ra, giúp nó định vị năm có ngày 29/2. Nó xoay trên trục riêng, hoàn thành mỗi một vòng trong 4 năm. Cơ chế này sẽ giúp định hình ngày tháng như trên các mẫu lịch vạn niên thông thường. Tuy nhiên, phần đuôi của bánh cóc được gắn thêm với một bánh cóc nữa, và bánh cóc này hoàn thành một vòng mỗi 400 năm. Với ba tầng kết nối như vậy, chiếc đồng hồ này có thể tính được cả những năm đặc biệt có kết thúc bằng hai số 0.

Cơ chế Lịch vạn niên của Franck Muller được thể hiện trong bản đăng ký bằng sáng chế

Như các bạn có thể thấy, hệ thống bánh răng của tính năng lịch vạn niên là một trong những cơ chế phức tạp nhất trong ngành đồng hồ. Việc chia thời gian ra càng chi ly thì các chi tiết lại càng phức tạp, và để chế tác chúng lại càng khó khăn. Bù lại, chúng ta cũng sẽ thấy được tài năng của những người nghệ nhân, và cho thấy được trí tuệ thiên tài cùng sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.